Blog

12 xu hướng phát triển thương mại điện tử trong năm 2023

Thế giới đang chứng kiến sự phát triển vượt trội của công nghệ kéo theo sự thay đổi nhanh chóng của hành vi người dùng. Việc cập nhật thường xuyên các xu hướng mới trong thương mại điện tử tạo ra lợi thế nổi bật giúp doanh nghiệp đi trước đón đầu nắm bắt các cơ hội kinh doanh quý giá. 

Tại Việt Nam, theo dữ liệu Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử hiện chiếm 7,5% doanh số bán lẻ, đạt 16,4 tỷ USD trong năm 2022. Mức tăng trưởng hàng năm hơn 20%. Theo Metric.vn, Việt Nam đã vươn lên thành thị trường TMĐT lớn thứ hai Đông Nam Á với 39 tỷ USD doanh thu vào năm 2025, chỉ xếp sau Indonesia.

Để có thể nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới, hãy cùng Mspace điểm qua các xu thế phát triển TMĐT mới trong năm 2023 dưới đây!

 

1. Tăng tốc sử dụng thiết bị di động mua sắm trực tuyến.

Theo sách trắng Việt nam 2021, tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến là 74,8%. Trong đó, 91% người dùng thao tác mua sắm online qua thiết bị điện thoại di động so với 48% người dùng đặt hàng trên máy tính. Chỉ với vài cú chạm, khách hàng có thể tìm kiếm nhãn hàng yêu thích, tương tác với quảng cáo, tư vấn sản phẩm hay mua sắm trực tiếp dễ dàng.

Điều này cho thấy, nỗ lực tập trung vào các trải nghiệm mua sắm của người dùng trên thiết bị di động như thiết kế nội dung tối ưu, cung cấp các tùy chọn thanh toán thuận tiện và thân thiện với người dùng là cực kỳ quan trọng giúp doanh nghiệp trụ lại cuộc chơi lâu dài.

 

 Tăng tốc sử dụng thiết bị di động mua sắm trực tuyến 

Xu hướng tăng tốc sử dụng thiết bị di động mua sắm trực tuyến

 

2. Cá nhân hóa các trải nghiệm mua sắm.

Các kết quả phân tích dữ liệu lớn người dùng từ việc sử dụng Máy Học (Learning Machine) ứng dụng AI là nhằm mục đích hiểu và ghi nhớ các thói quen, hành vi, sở thích. Từ đây, hàng loạt giải pháp được đề xuất nhằm nâng cao độ thỏa mãn của khách hàng. Trải nghiệm khách hàng càng thành công thì doanh số bán hàng trực tuyến càng lớn mạnh đồng nghĩa với việc kinh doanh càng phát triển.

Những thương hiệu mang lại các trải nghiệm cá nhân hóa tích cực cho người mua nhận được lượng khách hàng trung thành cao hơn. Cá nhân hóa có thể bao gồm các đề xuất về sản phẩm, ưu đãi, giảm giá hay sự liên kết nhịp nhàng của các kênh bán hàng. Các phương thức thanh toán thuận tiện, dễ dàng giúp người dùng nhanh chóng đặt hàng và hoàn tất giao dịch. Ngoài ra, việc cải thiện các dịch vụ chăm sóc sau bán hàng trên các kênh truyền thông xã hội cũng tạo ra sự kết nối mật thiết với người dùng.

 

Cá nhân hóa các trải nghiệm mua sắm

Xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm của người dùng

 

3. Trí tuệ nhân tạo là yếu tố thúc đẩy cuộc chơi.

Công nghệ AI mang đến nhiều lợi ích to lớn đối với doanh nghiệp như cải thiện quy trình kinh doanh, thay đổi cách thức làm việc và thu thập dữ liệu chi tiết của người dùng. Giờ đây, dựa vào lịch sử duyệt web và tìm kiếm trực tuyến có thể giúp dự báo hành vi, thói quen mua sắm của một người, nhờ đó giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nội dung và chiến dịch quảng cáo cũng như nâng cao trải nghiệm khách hàng và đẩy mạnh tỷ lệ chuyển đổi.

Ngoài ra, AI Chatbot tạo ra những trợ lý ảo trực tuyến vô cùng thông minh và tiện lợi, hỗ trợ gần như ngày lập tức đối với các câu hỏi của khách hàng. Sư hiện diện của AI giúp đáp ứng tối đa nhu cầu của họ đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

4. Nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến với công nghệ VR và AR.

Theo các chuyên gia TMĐT Việt Nam, các công nghệ thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) đóng vai trò là yếu tố thay đổi cuộc chơi TMĐT trong thời gian tới.

Báo cáo của Pulse trong quý 1 năm 2023 chỉ ra 48% nhà quảng cáo dự đoán sẽ sử dụng các công nghệ Thực tế ảo (VR), Thực tế tăng cường (AR) hoặc Thực tế mở rộng (XR) như metaverse. Xấp xỉ 43% người dùng cho biết VR/AR/XR sẽ là nhân tố quan trọng quyết định cách họ tương tác với các sản phẩm, dịch vụ trong 12 tháng tới.

Công nghệ này cho phép khách hàng cảm nhận và dùng thử sản phẩm hoặc tương tác với nội dung số thông qua lồng ghép thông tin ảo và thế giới thực (AR) hoặc trong không gian được ảo hóa (VR) trước khi mua. Các thương hiệu thậm chí không cần đầu tư một không gian vật lý đắt đỏ để tận dụng lợi thế của thương mại AR.

Một số ví dụ về thương mại điện tử AR bao gồm thử gọng kính, thử các sản phẩm trang điểm để tìm ra sản phẩm hợp với khuôn mặt, hay đặt một món đồ nội thất trong phòng xem nó có phù hợp với không gian hay không.

 

Nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến với VR và AR

Nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến với công nghệ thực tế tăng cường (AR) và công nghệ thực tế ảo (VR)

 

5. Thao tác tìm kiếm và mua sắm bằng giọng nói.

Tính năng này được thực hiện nhờ vào Loa thông minh và trợ lý giọng nói để giúp hoàn thành các nhiệm vụ. Khách hàng sẽ đặt câu hỏi trực tiếp trên các cửa hàng online và thoải mái khám phá các bộ sưu tập khác nhau của một thương hiệu một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Để khai thác đặc điểm này, nhà quản lý cần nâng cấp tối đa tìm kiếm bằng giọng nói thông qua sử dụng tối ưu hóa công cụ tìm kiếm truyền thống và các chiến lược ngôn ngữ. Đồng thời, tiếp tục tối ưu hóa các mô tả sản phẩm, dịch vụ sử dụng cách nói tự nhiên để trả lời cho các câu hỏi “Ai”, “cái gì?”, “ở đâu”, “tại sao” và “như thế nào?”

 

6. Doanh nghiệp tìm cách tối đa hóa cho việc chuyển đổi.

Cách làm thông dụng để xây dựng uy tín cho thương hiệu trên thị trường TMĐT chính là xây dựng nội dung dưới dạng ảnh, video, bài viết, bài đánh giá sản phẩm một cách tự nhiên. Người dùng có xu hướng ngày càng yêu thích và tin tưởng vào các bài viết về những trải nghiệm có thật so với các bài quảng cáo.

Những bài viết có nội dung tự nhiên, hấp dẫn, phù hợp người dùng sẽ giúp tạo ra niềm tin, từ đó thúc đẩy tương tác và mang đến tỷ lệ chuyển đổi.

Đã qua rồi thời của những thông điệp theo lối mòn lặp đi lặp lại trên các biển quảng cáo hoặc danh thiếp. Ngày nay, các công ty phải tạo ra sự hiện diện thương hiệu gắn liền với các nội dung và thông điệp sáng tạo và phù hợp trên các nền tang xã hội khác nhau để thu hút sự chú ý của người dùng. 

 

Doanh nghiệp tìm cách tối đa hóa cho việc chuyển đổi

Doanh nghiệp tìm cách tối đa hóa tỷ lệ chuyển đổi

 

7. Tăng cường giữ chân khách hàng.

Để giữ chân khách hàng, các thương hiệu đưa ra những lợi ích hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng trung thành đăng ký thành viên. Việc này giúp tăng khả năng sinh lời và tỷ lệ duy trì trong dài hạn.

Các hình thức lợi ích cụ thể có thể là các gói đăng ký tiết kiệm, mức giá ưu đãi trọn đời hay các cộng đồng thành viên có chung những lợi ích như quyền truy cập độc quyền vào các sản phẩm, sự kiện,.. được đối xử theo phong cách VIP.

Việc đăng ký tư cách thành viên hiện đang được áp dụng phổ biến đối với hầu hết doanh nghiệp TMĐT.

 

8. Tiêu dùng xanh, bền vững.

Niềm tin của người tiêu dùng dẫn dắt cho hành vi của họ. Khi ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ thế hệ tương lai tăng lên, họ có xu hướng đặt niềm tin vào những thương hiệu không chỉ nói suông mà thực hiện bằng những hành động hiện hữu thường xuyên.

Họ đề cao những doanh nghiệp dùng các vật liệu xanh như bã mía, hộp bằng lá hoặc vụn gỗ để đóng gói sản phẩm thay vì túi nilon; các vật liệu bao bì xanh, bền vững.. chính là những cam kết bảo vệ môi trường của thương hiệu.

Do vậy, doanh nghiệp bên cạnh không ngừng sáng tạo gíá trị thương hiệu còn phải cộng tác với các doanh nghiệp, người sáng tạo nội dung và người có ảnh hưởng để gửi các thông điệp quan trọng đến khách hàng nhằm thu hút sự chú ý của họ.

 

9. Sự trỗi dậy của thương mại mạng xã hội.

Các trang mạng xã hội đang mang đến những cơ hội khám phá, nghiên cứu và cả những trải nghiệm tương tự như đã từng được thực hiện trong không gian thực trước đây. Các doanh nghiệp nhận thức được lợi thế này và họ đang hành động để đưa những chiến dịch truyền thông xã hội vào trong các chiến lược thương mại điện tử để tiếp cận đến khối lượng lớn người dùng, bất kể khoảng cách không gian địa lý.

Một nghiên cứu mới của Accenture cho thấy giá trị giao dịch qua các nền tảng mạng xã hội trị giá 492 tỷ đô la hiện tại sẽ tăng gần gấp 3 lần đạt giá trị 1,2 nghìn tỷ đô la vào năm 2025. Nhân tố tăng trưởng được dự đoán đến từ thế hệ Gen Z (sinh từ 1997 đến 2012) và thế hệ Millennial (sinh từ 1981-1996), chiếm đến 62% chi tiêu thương mại xã hội toàn cầu vào năm 2025.

 

Sự trỗi dậy của thương mại mạng xã hội

Xu hướng thương mại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ

 

10. Mua sắm trực tiếp.

Mua sắm trực tiếp không còn là những bước chân vật lý bước vào các cửa hàng truyền thống. Dù đều là thể hiện kênh phân phối sản phẩm trực tiếp từ doanh nghiệp đến khách hàng không qua kênh phân phối trung gian, nhưng khách hàng giờ đây giao dịch trên các website hay các kênh thương mại điện tử.

Sự phát triển vượt bậc của thương mại xã hội cũng giúp người dùng dễ dàng tương tác trực tiếp với nhân viên tư vấn, người đại diện thương hiệu hay người sáng tạo các chiến dịch quảng bá sản phẩm và dịch vụ. Chỉ với vài cú chạm trên thiết bị điện tử, trong một không gian tự do, thư thái ở nhà là bạn có thể trải nghiệm tương tự như mua sắm trong cửa hàng vật lý.

 

11.  Bán hàng đa kênh OmniChannel.

Duy trì đa kênh bán hàng nghĩa là doanh nghiệp phải có khả năng bán hàng và giao tiếp với khách hàng thông qua nhiều kênh tại bất kỳ thời điểm nào. Bán hàng đa kênh là cấp độ tiếp theo của thương mại điện tử. Hiện tại khoảng 52% website bán hàng toàn cầu có khả năng hoạt động trên nhiều nền tảng khác nhau.

Đây là sẽ xu hướng phát triển mạnh của TMĐT trong thời gian tới. Trong thực tế, các thương hiệu lớn sẽ duy trì đồng thời cả kênh bán hàng offline và đa dạng kênh bán hàng online nhằm thu hút tối đa lượng khách hàng tiềm năng.

Xây dựng mô hình đa kênh đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về đối tượng người dùng. Khách hàng chỉ quay lại mua sắm khi các trải nghiệm của họ được liền mạch và thuận tiện. Các công ty thực hiện tốt trải nghiệm người dùng sẽ giữ chân được phần lớn khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng thị phần nhanh chóng.

 

Bán hàng đa kênh

Xu hướng bán hàng đa kênh OmniChannel

 

12. Sự phổ biến của Livestream bán hàng

Cùng với sự bùng nổ của thương mại xã hội, bán hàng thông qua các phiên livestream được xem là mảnh đất màu mỡ để các thương nhân thúc đẩy bán hàng. Livestream thu hút lượng lớn người dùng từ lợi thế tương tác trực tiếp với người bán mà không bị ngăn cách bởi khoảng cách địa lý, cộng thêm sự hỗ trợ của các phương tiện thanh toán dễ dàng giúp xu thế này ngày càng phổ biến.

Với sự kết hợp của những người có ảnh hưởng với các thương hiệu uy tín trên các nền tảng xã hồi phổ biến, chỉ trong một thời gian ngắn, doanh nghiệp có thể thu về hàng trăm ngàn đơn hàng. Ví dụ gần đây nhất chính là cú hích livestream tiktoker Võ Hà Linh livestream trong vòng ít phút đã bán hết một lượng lớn sản phẩm dầu gội đầu Nguyên Xuân với mức giá chiết khấu do nhà sản xuất đưa ra.

 

Đón đầu các xu hướng thương mại điện tử mới nhất mang lại lợi ích to lớn giúp tăng trưởng lợi nhuận vượt trội cho doanh nghiệp thương mại điện tử trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp luôn đảm bảo được chuẩn bị để đón đầu những thách thức và nắm bắt các cơ hội kinh doanh tốt nhất trong tương lai gần.

 

Có thể bạn muốn xem:

7 LỢI ÍCH CỦA WEBSITE BÁN HÀNG CHO DOANH NGHIỆP

 



Một thương hiệu thuộc Tập đoàn MUNDUS STONES